(Tiengviet)-Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT), thông tư lần này có nhiều thay đổi đáng chú ý, nhưng sẽ theo hướng cải cách thủ tục hành chính.
Theo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), dự kiến, trong tháng 3-2011 sẽ ban hành Thông tư sửa đổi về quy định học, thi giấy phép lái xe (GPLX) ôtô với nhiều điểm mới, như: Tăng thời hạn sử dụng bằng (thời hạn phải đổi bằng), học phí sẽ do các trung tâm đào tạo lái xe (TTĐTLX) quy định…
Nhiều thay đổi
Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT), thông tư lần này có nhiều thay đổi đáng chú ý, nhưng sẽ theo hướng cải cách thủ tục hành chính. Theo đó, giao việc xây dựng mức học phí cho các TTĐTLX đề xuất trên cơ sở mức giá trần mà UBND tỉnh quy định; kéo dài thời hạn sử dụng bằng đối với giấy phép hạng B1, B2 từ 5 năm lên 10 năm.
Cũng theo Dự thảo này, lái xe phải học cả sơ cứu người bị nạn và học cách nhận biết biển báo đối ngoại… Theo ông Quyền, việc học sơ cứu nhằm giáo dục ý thức, trách nhiệm cho các lái xe, khi không may gặp tai nạn.
20 trung tâm đào tạo được tự ban hành mức học phí lái xe
Còn việc học biển báo đối ngoại là do Việt Nam đang hội nhập sâu sắc, xe của các nước ASEAN, Trung Quốc vào Việt Nam ngày một nhiều. Tuy nhiên, trong đợt sửa đổi tới, hai điều này chưa được đưa vào nội dung bắt buộc của chương trình học và sát hạch. Do đó không lo chương trình học bị nặng, hay kéo dài thời gian học.
Theo thông tư mới, nếu GPLX bị mất, hỏng mà còn thời hạn sử dụng và còn hồ sơ gốc thì chỉ phải sát hạch lý thuyết. Thời hạn đổi bằng được tăng lên (tăng từ 5 năm lên 10 năm). "Điều này tránh đi lại, tốn kém cho người dân", ông Quyền cho hay.
Gây khó cho người học?
Về các dự kiến sửa đổi như trên trong thông tư mới, nhiều ý kiến cho rằng, các quy định này có nhiều điểm "mở", tạo điều kiện cho các TTĐTLX và tăng trách nhiệm cho những người có nhu cầu học thi GPLX, tuy nhiên ở những điểm "mở" này, không khéo, sẽ dễ gây khó cho người học.
Theo anh Trần Văn Nhương (quận Hoàng Mai, Hà Nội), việc kéo dài thời gian sử dụng GPLX (tăng thời hạn GPLX từ 5 năm lên 10 năm) giúp ích cho người dân giảm thiểu được nhiều chi phí, rắc rối không cần thiết. Bởi, khi đổi GPLX, phải viết đơn xin đổi, có xác nhận. Khi có giấy khám sức khỏe, phải mang GPLX cũ và hồ sơ gốc đến phòng quản lý cấp GPLX.
Nếu đầy đủ giấy tờ mới được lấy giấy hẹn và chờ 15 ngày sau đến lấy…. Ngoài ra, người đi đổi GPLX ô tô quá hạn 30 ngày bị buộc phải thi lại lý thuyết. Chậm 6 tháng phải thi lại cả lý thuyết lẫn thực hành… "Còn rất nhiều các thủ tục phiền hà khác. Cánh lái xe phải lo rất nhiều thứ, trong đó có việc phải đi đổi GPLX", anh Nhương nói.
Đồng tình với quan điểm của anh Nhương, nhưng anh Phạm Văn Hưng (phụ xe tuyến Thái Bình - Hà Nội) lại băn khoăn về việc ủy thác mức học phí cho các TTĐTLX. Nếu việc này không được quản lý chặt chẽ, sẽ gây khó khăn cho nhiều người có nhu cầu học, thi GPLX, nhất là những người học lái xe với mục đích đi làm.
Theo anh Hưng, mức phí hiện tại đã là một "số vốn" không nhỏ đối với nhiều người có nhu cầu, nay để các TTĐTLX tự điều chỉnh, dễ gây ra tình trạng phá giá, tự ý nâng giá. Thiệt thòi sẽ thuộc về người dân. Anh Hưng đơn cử, anh có cậu em trai vừa tốt nghiệp lớp 12. Không thi đỗ đại học, cậu có nguyện vọng đi học lái xe vào làm lái xe cho nhà máy thức ăn chăn nuôi, nhưng gia đình rất khó khăn.
Bố đã hơn 80 tuổi, mẹ bị bệnh nằm liệt đã gần 10 năm, nên hiện tại có được 5 triệu (chưa kể chi phí phát sinh) để em trai anh Hưng đi học được bằng lái xe là điều quá khó đối với gia đình anh. "Nếu để các TTĐTLX tự đề xuất học phí, chắc chắn họ chỉ tăng chứ khó giảm.
Em tôi và nhiều người bao giờ mới có việc làm", anh Hưng băn khoăn đặt câu hỏi. Theo một giám đốc trung tâm sát hạch lái xe tại Hà Nội, thông tư sẽ tạo cho các TTĐTLX rất nhiều điểm có lợi, song cũng không kém phần bất cập.
Thứ nhất, các TTĐTLX có đầu tư về quy mô sẽ tăng học phí để nhanh chóng thu lại lợi nhuận và vốn đầu tư, và người muốn học bài bản để lái xe chuyên nghiệp sẽ phải tăng chi phí. Còn các trung tâm nhỏ hơn sẽ không dám tăng học phí, nhưng tìm mọi cách để kéo người học.
Do không có cơ sở vật chất tốt, dẫn đến việc đào tạo ồ ạt, thiếu bài bản, người học có bằng nhưng thiếu kiến thức cơ bản, dẫn đến nhiều hệ lụy không nhỏ khi tham gia giao thông. Điều này thực tế đã chứng minh.
"Các TTĐTLX sẽ có điều chỉnh tăng hoặc giảm hợp lý để có lợi cho mình. Ở mặt nào, việc này cũng có những hệ lụy, nếu không có sự điều tiết tốt. "Thả lỏng" để tạo thông thoáng, nhưng không quản được, tất sẽ phát sinh tiêu cực, bất cập", vị Giám đốc này nêu quan điểm.
Theo PLXH